VPN không chỉ được sử dụng bởi doanh nghiệp mà cũng đang là lựa chọn của hầu hết người dùng cá nhân nhằm tăng tính bảo mật khi kết nối với mạng công cộng.
Internet là một môi trường công cộng, do đó việc chia sẻ dữ liệu có tính riêng tư thông qua hệ thống mạng Internet là cực kỳ nguy hiểm vì thông tin có thể bị rò rỉ, mất cắp… Chính vì vậy, mạng riêng ảo VPN (Virtual Private Network) ra đời dựa trên cơ sở hạ tầng của hệ thống mạng Internet nhằm tạo ra một kết nối mạng hoàn toàn riêng tư và bảo mật.
VPN được ví như một “đường ống” an toàn giữa hai hoặc nhiều máy tính trên mạng Internet, cho phép chúng truy cập với nhau như thể đang ở trong một mạng LAN nội bộ riêng biệt. Trước đây, VPN được sử dụng chủ yếu bởi các doanh nghiệp muốn kết nối an toàn nhiều chi nhánh cách xa nhau về mặt địa lý, hoặc cho phép nhân viên của họ kết nối vào mạng văn phòng để làm việc từ xa mà vẫn đảm bảo tính bảo mật. Tuy nhiên, ngày nay VPN cũng đang trở thành một dịch vụ quan trọng đối với hầu hết người dùng cá nhân nhằm bảo vệ họ khỏi sự tấn công khi kết nối với các mạng công cộng.
Giải pháp hiệu quả để bảo vệ sự riêng tư
Mạng không dây mở thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ rò rỉ thông tin của người sử dụng, bởi vì kẻ xấu có thể kết nối vào đó một cách dễ dàng và sử dụng các kỹ thuật khác nhau để theo dõi lưu lượng web hay thậm chí chiếm quyền điều khiển tài khoản các trang web không sử dụng giao thức bảo mật HTTPS. Ngoài ra, một số người dùng mạng Wi-Fi có thể cố tình đưa quảng cáo vào các trang web và dẫn đến những thao tác theo dõi không mong muốn.
Bằng cách sử dụng kết nối VPN, tất cả lưu lượng trong hệ thống mạng của bạn có thể được truyền đi một cách an toàn thông qua một máy chủ đặt ở nơi khác trên thế giới. Giải pháp VPN sẽ bảo vệ máy tính của bạn tránh khỏi mọi nỗ lực theo dõi và xâm nhập. VPN thậm chí có thể giấu địa chỉ IP máy tính thật của bạn khi truy cập một số trang web hay dịch vụ.
VPN có thể vượt tường lửa và không bị chặn về mặt địa lý
Người dùng cá nhân thường sử dụng VPN để mở các nội dung trực tuyến vốn không được phép truy cập trong khu vực của họ. Điều này hầu như phụ thuộc vào những quy định do nhà cung cấp dịch vụ mạng ISP đưa ra. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ VPN thường đặt máy chủ tại nhiều nước trên thế giới và cho phép người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa những máy chủ này với nhau. Ví dụ, người dùng một số nước châu Á có thể kết nối thông qua một máy chủ ở Mỹ để truy cập nội dung Netflix, vốn là dịch vụ hiện không được cung cấp rộng rãi tại khu vực này.
Ở một số quốc gia trên thế giới, chính phủ không cho phép người dùng truy cập một số trang web nhất định vì lý do kinh tế, chính trị, văn hóa,… Ngoài ra, một số trang web hay dịch vụ bán hàng trực tuyến thường ngăn chặn truy cập từ một số nước vì lý do an toàn. Tuy nhiên, vài người dùng vẫn có thể sử dụng VPN để truy cập và “qua mặt” những quy định này.
Miễn phí hay có phí
Hiện nay, người dùng cá nhân có nhiều lựa chọn dịch vụ VPN miễn phí hoặc trả phí. Các ứng dụng VPN miễn phí thường hiển thị quảng cáo, số lượng máy chủ hạn chế và tốc độ kết nối cũng chậm hơn. Tuy nhiên, nếu nhu cầu chỉ là thường xuyên lướt web hay truy cập một vài dịch vụ nhất định thì như vậy có lẽ là quá đủ đối với hầu hết người dùng thông thường.
Ngoài ra, một nhược điểm khác của máy chủ VPN miễn phí là có nhiều khả năng các địa chỉ IP mà người dùng sử dụng sau đó sẽ bị chặn hay lọc trên các trang web khác nhau. Bên cạnh đó, các dịch vụ VPN miễn phí thường bị lạm dụng bởi tin tặc, các trang web chuyên gửi thư rác và những người dùng có ý đồ xấu.
Trong khi đó, các dịch vụ VPN thương mại có trả phí thường hoạt động dựa trên mô hình đăng ký và có nhiều gói tốc độ tải về hoặc giới hạn dữ liệu. Một vài nhà cung cấp phần mềm chống virus còn tích hợp dịch vụ VPN vào sản phẩm của họ, có cả phiên bản miễn phí lẫn các giải pháp thương mại đắt tiền hơn. Nhìn chung, các giải pháp VPN này cung cấp các thiết lập bảo mật hợp lý hơn, vì vậy người dùng không phải lo lắng quá nhiều về việc cấu hình.
Không phải mọi VPN đều như nhau
Hiện nay, có nhiều công nghệ VPN khác nhau với thế mạnh mã hóa đa dạng. Chẳng hạn, công nghệ VPN PPTP (Point-to-Point Tunneling Protocol) là nhanh nhất nhưng ít an toàn hơn so với IPSec hoặc OpenVPN, vốn là những công nghệ sử dụng giao thức SSL/TLS (Secure Sockets Layer/Transport Layer Security). Người dùng nên lựa chọn công nghệ VPN trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào loại dữ liệu sẽ được chuyển qua đó.
Về cơ bản, OpenVPN hỗ trợ nhiều thuật toán mã hóa kết hợp với nhau, các giao thức trao đổi khóa và thuật toán băm. Cách thực hiện phổ biến nhất được cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ VPN cho các kết nối OpenVPN là mã hóa AES với trao đổi khóa RSA và chữ ký SHA. Các thiết lập được đề nghị là mã hóa AES-256 với một khóa RSA có độ dài ít nhất 2.048 bit và SHA-2 (SHA-256), thay vì SHA-1. Ngoài ra, cũng nên lưu ý là trong các mạng VPN dựa trên giao thức TLS thì loại thuật toán mã hóa và độ dài khóa được sử dụng cũng rất quan trọng.
Tự tạo VPN
Nếu là người yêu thích công nghệ, hẳn có lúc bạn sẽ cần kết nối để truy cập các thiết bị trong mạng gia đình từ bất cứ nơi nào. Sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu bạn tự tạo một dịch vụ VPN riêng nhằm tránh bị rò rỉ thông tin cá nhân và cũng để đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống mạng của mình.
Một số model router đời mới ngày nay thường được tích hợp tính năng VPN, vì vậy bạn thậm chí không cần phải xây dựng và thiết lập một máy chủ VPN riêng biệt chuyên dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng giải pháp VPN trên router thì nguyên tắc chung là càng mở ít cổng trong router càng tốt. Đồng thời, bạn nên tắt tính năng UPnP (Universal Plug and Play) để những chiếc camera IP kém bảo mật không bị rò rỉ hình ảnh riêng tư cho cả thế giới cùng xem.